Vang mãi thiên hùng ca trên biển

Bài 4: Tàu không số vào Nam Trung Bộ - Nam Bộ

16:44 19-10-2021

VBĐVN.vn - Năm 1962, 1963, lực lượng vũ trang (LLVT) từ Khu 5 đến Khu 7 đều phát triển nhanh chóng. Hai trung đoàn chủ lực năm 1962 chỉ là khung thường trực thì bước sang đầu năm 1963, lực lượng chiến đấu đã lên đến hàng vạn người. Vũ khí cho chiến trường từ Khu 5 đến Khu 7 là một đòi hỏi cấp bách, vì vậy, Bộ Quốc phòng chỉ thị cho Khu 5, Khu 7 mở bến trực tiếp đón tàu vào.

Vũ khí cho Chiến dịch Bình Giã

Nhận mệnh lệnh mở đường đưa vũ khí vào cho chiến trường Nam Trung Bộ, đêm 26-9-1963, Tàu 41 của Chính trị viên Đặng Văn Thanh và Thuyền trưởng Lê Văn Một lên đường. Trong chuyến đi này, Chính trị viên Đặng Văn Thanh và máy trưởng Huỳnh Văn Sao cùng đồng đội đã lập nên một kỳ tích. Tàu 41 ra khỏi Bến K15, chạy ngược lên phía Bắc như thể đi Trung Quốc rồi từ đó mới xuôi xuống phía Nam. Trên đường vào bến, không may Tàu 41 bị mắc cạn ngay phía dưới chân đồn địch ở Phước Hải (nay thuộc xã Lộc An, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), trời lại sắp sáng, để giữ bí mật con đường, chỉ huy bến đề nghị hủy tàu. Chính trị viên Đặng Văn Thanh và máy trưởng Huỳnh Văn Sao tình nguyện ở lại, hai người kéo lá cờ ba sọc của ngụy lên cột buồm để che mắt địch rồi nhanh chóng cài kíp nổ vào khối bộc phá đã để sẵn dưới đáy tàu. Ngồi trên đống thuốc nổ, suốt một ngày thi gan với địch, bằng tài trí và sự mưu lược, hai ông đã không phải hủy tàu. Đợi đến đêm, khi nước lên, tàu thoát cạn, hai ông đưa tàu vào sông Ray cập bến an toàn. Chiến công này cùng với nhiều chiến công khác nối tiếp, Chính trị viên Đặng Văn Thanh đã được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Lời ghi công đối với cán bộ, chiến sĩ của Đoàn tàu Không số được khắc trên bia tưởng niệm tại bến Lộc An, huyện Đất Đỏ (Bà Rịa-Vũng Tàu)
Các cựu chiến binh Đoàn tàu không số đến thăm và tưởng niệm đồng đội tại bia di tích ở bến Lộc An, huyện Đất Đỏ (Bà Rịa-Vũng Tàu)
Các cựu chiến binh Đoàn tàu không số đến thăm và tưởng niệm đồng đội tại bia di tích ở bến Lộc An, huyện Đất Đỏ (Bà Rịa-Vũng Tàu)

Sông Ray ngày nay đã khác xưa, ông Nguyễn Sơn là người đi cùng Chính trị viên Đặng Văn Thanh vào sông Ray năm đó, nay cũng đã ở tuổi ngoài 80. Cùng đồng đội trở lại thăm nơi con Tàu 41 mắc cạn và thoát hiểm, ông Sơn nhớ tới Đặng Văn Thanh, người chính trị viên anh hùng, người đã truyền sức mạnh để giúp ông những năm sau đó tiếp tục vượt biển, chở vũ khí về cho quê hương đánh giặc. Chiến công của ông từ chuyến vượt biển ra Bắc trên con tàu của tỉnh Bà Rịa đến những chuyến sau này được Đảng và quân đội ghi nhận cứ dày thêm. Tháng 12-2015, ông Sơn đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Để mở rộng vùng giải phóng, Quân ủy Miền chủ trương mở liên tiếp các đợt tấn công tiêu diệt sinh lực địch. Chiến trường chính trong dịp này là Đông Nam Bộ, Trung Trung Bộ và Tây Nguyên. Tại miền Đông Nam Bộ, Bộ chỉ huy quân sự Miền quyết định mở chiến dịch thuộc 4 tỉnh là Bà Rịa, Long Khánh, Biên Hòa, Bình Thuận, nối liền từ vùng giải phóng qua Chiến khu Đ sát vùng biển Bà Rịa. Điểm khơi ngòi chiến dịch được chọn là ấp chiến lược Bình Giã. Để chuẩn bị chiến dịch, Bộ tư lệnh Miền điện xin Trung ương cho tàu tiếp tục chở vũ khí vào Bà Rịa. Nhận nhiệm vụ, Tàu 56 do ông Lê Quốc Thân làm Thuyền trưởng, ông Trần Quốc Tuấn làm Chính trị viên thực hiện chuyến đi này. Ngày 29-11-1964, Tàu 56 chở 44 tấn vũ khí nhổ neo, đến 22 giờ ngày 22-12-1964, tàu vào đến cửa biển Lộc An qua bến sông Ray. Kế tiếp sau đó là nhiều chuyến tàu khác với hàng nghìn tấn vũ khí được chi viện qua cửa biển Lộc An vào bến sông Ray.

Cuối tháng 11-2020, có dịp vào TP Cần Thơ công tác, xong việc, tôi tới thăm gia đình Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Đắc Thắng-người thuyền trưởng tàu không số năm xưa. Ngày ấy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận tải trên con đường biển huyền thoại, ông về công tác tại Bộ tư lệnh Quân khu 9 trên cương vị Trưởng phòng Hải quân (Bộ Tham mưu). Đã bước sang tuổi 84 nhưng ký ức về những năm tháng công tác, chiến đấu vẫn hôi hổi. Nói về ý nghĩa của vũ khí cho Chiến dịch Bình Giã, ông kể: "Từ các bến bãi nơi tàu đưa hàng vào, nhân dân địa phương và lực lượng ở bến đã nhanh chóng chuyển vũ khí tới các mặt trận. Được trang bị đầy đủ vũ khí, các đơn vị liên tiếp mở những chiến dịch tấn công, siết chặt vòng vây, tiêu diệt nhiều cánh quân của địch. Sau hai đợt chiến đấu, ta đánh 5 trận cấp trung đoàn, diệt gọn 2 tiểu đoàn địch, 1 chi đoàn xe bọc thép và đánh thiệt hại 3 tiểu đoàn khác. Các ấp chiến lược thuộc Đất Đỏ, Long Thành, Nhơn Trạch bị phá tan, vùng căn cứ được mở rộng tới sát biển. Chiến thắng Bình Giã đã góp phần làm phá sản chiến lược "chiến tranh đặc biệt" của Mỹ-ngụy. Bộ chỉ huy chiến dịch đã gửi điện biểu dương cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số góp phần làm nên chiến thắng lịch sử này".

Hội viên Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam trong chuyến về thăm đơn vị cũ nay là Lữ đoàn 125 Hải quân
Hội viên Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam trong chuyến về thăm đơn vị cũ nay là Lữ đoàn 125 Hải quân
Hội viên Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam trong chuyến về thăm đơn vị cũ nay là Lữ đoàn 125 Hải quân

Tôi có may mắn được nhiều lần cùng các cựu chiến binh của Đoàn tàu không số trở lại thăm bến Lộc An, nơi Tàu 56, Tàu 41... từng vào-ra. Nơi đây đã trở thành di tích cấp quốc gia và được Quân chủng Hải quân cùng địa phương xây dựng bia kỷ niệm để các thế hệ luôn ghi nhớ, trân trọng những chiến công mà thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu lập nên. Những người lính tham gia vận chuyển vũ khí nay đã không còn trẻ, nhưng đồng đội của họ, những người góp phần làm nên chiến thắng Bình Giã năm ấy thì vẫn ở tuổi thanh xuân. Đặt những bó hoa tưởng nhớ người đã nằm xuống là chúng ta thêm một lần tri ân chiến công của những người đã quên mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Mở bến vào Khu 5

Thực hiện chủ trương của Trung ương Cục, quân và dân Khu 5 mở đợt hoạt động vũ trang trong 6 tháng cuối năm 1964 nhằm tiêu diệt sinh lực địch, nhưng khó khăn lớn nhất của Khu 5 là thiếu vũ khí. Vận chuyển vũ khí vào Khu 5 bằng đường biển là công việc mạo hiểm, phức tạp, việc đặt bến không hề thuận lợi do đây là vùng sát Quốc lộ 1, hệ thống radar, tàu chiến, máy bay của địch kiểm soát khá cẩn mật. Sau khi cân nhắc, Bộ tư lệnh Hải quân chọn vị trí mở đường đổ hàng ở Khu 5 là bến Lộ Giao (Hoài Nhơn, Bình Định). Bến Lộ Giao chỉ có một con suối cạn nên khi tàu vào chỉ có thể xuống hàng ở bãi ngang ngay sát bờ biển.

Tham gia chuyến tàu đầu tiên mở bến vào Khu 5 từ khi còn là chiến sĩ, Đại tá Trần Phấn, nguyên Phó tham mưu trưởng Lữ đoàn Đặc công 126 Hải quân, đánh giá: "Địa hình ven biển của Khu 5 là bãi ngang, bằng phẳng nên việc đưa tàu vào rất khó khăn. Trước đó đã có một chuyến đi nhưng không thành công khiến tàu cũng mất luôn. Từ đó, Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân đặt kỳ vọng rất cao ở chuyến đi mở đường vào Khu 5 lần này của chúng tôi. Khi được trên giao nhiệm vụ, mặc dù biết gặp nhiều khó khăn nhưng anh em ai cũng quyết tâm đi. Ngày 15-9-1964, Tàu 401 nhổ neo lên đường cùng với 12 thủy thủ. Tàu 401 là tàu gỗ, chở được 30 tấn vũ khí. Khi tàu vào đến bến Lộ Giao, chúng tôi phi thẳng tàu vào bãi ngang, phối hợp cùng lực lượng ở bến bốc hết vũ khí, sau đó hủy tàu rồi toàn thể anh em đi bộ vượt Trường Sơn về Bắc. Tiếp theo chuyến đi của Tàu 401, những chuyến đi của các con tàu khác lại kế tiếp nhau lên đường, vẫn biết Khu 5 là bãi ngang, là sóng to gió cả; là đồn bốt địch ken dày, tàu địch giăng khắp trên sông, trên biển".

Hội viên Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam đến thăm nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tỉnh Phú Yên trên đỉnh Núi Nhạn (TP. Tuy Hòa)
Hội viên Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam trong chuyến về thăm lại chiến trường xưa tại Vũng Rô (Phú Yên)

Cựu chiến binh Đoàn tàu không số tổ chức lễ tưởng niệm đồng đội hy sinh tại Vũng Rô (Phú Yên)
Cựu chiến binh Đoàn tàu không số tổ chức lễ tưởng niệm đồng đội hy sinh tại Vũng Rô (Phú Yên)

Nhắc đến những người đã từng chở vũ khí vào chiến trường Khu 5 bằng đường biển, không thể không nhắc đến một người là linh hồn của mỗi chuyến tàu, người chỉ huy dẫn dắt đồng đội vượt qua những thời khắc mà sự sống, cái chết chỉ trong gang tấc. Đó là Chính trị viên Đỗ Như Sạn. Ngày ấy, Tàu 56 của Chính trị viên Đỗ Như Sạn được lệnh chở vũ khí vào bến Lộ Giao. Đây là thời điểm hết sức cam go, địch phong tỏa, chặn mọi lối, Tàu 56 của Chính trị viên Đỗ Như Sạn và Thuyền trưởng Nguyễn Văn Ba bị kẹp giữa nhiều tàu chiến địch, chúng áp sát đe dọa, dùng hỏa lực bắn sang. Xác định mục đích hàng đầu là đưa vũ khí vào được bến, tránh đụng độ, gây tổn hại con tàu và tính mạng thủy thủ là phương châm số một, Chính trị viên Đỗ Như Sạn đã quán triệt tinh thần ấy một cách tỉnh táo, ông xử lý sáng suốt, quyết tâm cứu con tàu.

Cách đây mấy năm, tôi có dịp về thăm ông Đỗ Như Sạn ở phường Bắc Sơn, TP Sầm Sơn (Thanh Hóa), được nghe ông kể chuyện chiến đấu vượt vòng vây của Tàu 56 trên vùng biển Lộ Giao (Bình Định). “Thời điểm đó, chúng tôi gặp tình huống rất nguy kịch bởi tàu địch mỗi lúc một siết chặt vòng vây. Khi còn cách tàu địch chỉ hơn 100 mét, tôi trao đổi nhanh với thuyền trưởng và đề nghị anh cứ giữ thẳng lái, đâm thẳng vào tàu địch, tôi cầm sẵn nút bấm điện hủy tàu trên tay, khi tàu ta vừa chạm tàu địch, tôi sẽ bấm nút cho tàu nổ. Như thế chúng ta sẽ tiêu diệt được tàu khu trục của địch với hàng trăm tên sĩ quan và thủy thủ trên tàu. Còn nếu chúng sợ mà tránh thì chúng ta có thể hy sinh hoặc bị thương một số người nhưng vẫn giữ được con tàu. Và quả thật, khi thấy tàu ta dũng mãnh lao thẳng vào, những con tàu khu trục to lớn, hiện đại của địch đã phải giãn ra và tàu chúng tôi đã phá được vòng vây của địch. Sau hai ngày đấu trí, thi gan với địch, nhờ giữ thế hợp pháp trên vùng lãnh hải quốc tế nên Tàu 56 đã trở về bến an toàn. Đồng đội đi trên con tàu ấy sau này đều gọi tôi là ân nhân cứu mạng, cứu tàu...”.

Một phần mảnh vỡ tàu 235 của thuyền trưởng Phan Vinh sau khi tự hủy đã bắn lên lưng núi Bà Nam và được nhân dân xã Ninh Vân (Ninh Hòa, Khánh Hòa) lưu giữ đến hôm nay
Người dân xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) dùng xe công nông đón các thủy thủ tàu không số trở lại thăm chiến trường xưa
Người dân xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) dùng xe công nông đón các thủy thủ tàu không số trở lại thăm chiến trường xưa
Hội viên Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam trong chuyến về thăm bến Hòn Hèo tại xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa)
Hội viên Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam trong chuyến về thăm bến Hòn Hèo tại xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa)
Người dân xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) vui mừng đón các thủy thủ tàu không số trở lại thăm chiến trường xưa
Ông Lê Duy Mai (ngoài cùng bên phải) và ông Nguyễn Văn Pong (thứ 3 từ trái sang) gặp lại 2 nữ y tá đã cưu mang, cứu sống các ông và các thủy thủ tàu 235 tại bến Hòn Hèo, nay là xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) tháng 3-1968

Trên con đường vận chuyển vũ khí vào Khu 5, nhiều con tàu đã phải hủy. Tàu 401 bốc cháy ở Lộ Giao, Tàu 41 và 43 nổ tung ở bãi ngang huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi), Tàu 143 hủy ở Phú Yên. Đồng đội trên những con tàu ấy, người sống sót đi bộ vượt Trường Sơn về miền Bắc để tiếp tục nhận một con tàu khác và rồi lại lên đường. Nhưng không hẳn ai cũng được trở về Bắc, Thuyền trưởng Phạm Vạn, Thuyền phó Dương Văn Lộc, các thủy thủ: Trần Nhợ, Vũ Văn Ruệ, Võ Tòng Nho, Phạm Văn Rai và nhiều đồng chí khác đã mãi mãi hóa thân vào biển, vào đất trời Khu 5.

Bài và ảnh: MAI CHU ANH

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang